Phản ứng Kwangmyongsong-2

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ Fred Lash tuyên bố đây là hành động khiêu khích và Washington sẽ có những bước đi phù hợp để cho Bình Nhưỡng thấy họ không thể đe dọa sự an toàn của các nước khác. Lash nói thêm hành động của Triều Tiên đã vi phạm nghị quyết 1718 của Hội đồng Bảo an.[5] Nghị quyết này được đưa ra 5 ngày sau khi Bình Nhưỡng thử hạt nhân năm 2006.

Seoul tuyên bố động thái của Bình Nhưỡng gây mối đe dọa nghiêm trọng đến sự ổn định trên bán đảo Triều Tiên. "Chúng tôi không thể kiềm chế sự thất vọng và đáng tiếc về hành động đầy coi thường của Triều Tiên", phát ngôn viên của Tổng thống Hàn Quốc Lee Dong-kwan nói.[5]

Tokyo không đánh chặn quả tên lửa này vì như tuyên bố trước đó, họ chỉ ra tay khi quả tên lửa có khả năng rơi xuống lãnh thổ Nhật. Tuy nhiên, nước này sẽ yêu cầu Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc họp khẩn.[5] Việt Nam chú ý đến diễn biến phóng tên lửa và cũng hy vọng các bên liên quan phản ứng thận trọng và xử lý thỏa đáng, không để tình hình trở nên phức tạp, ảnh hưởng đến hòa bình, ổn định ở khu vực Đông Bắc Á.

Trong một diễn biến khác, Hội đồng Bảo an LHQ tranh luận về khả năng có nên trừng phạt Triều Tiên xung quanh vụ phóng vệ tinh này hay không. Nhật Bản và Mỹ ép Hội đồng Bảo an đưa ra một nghị quyết gia hạn các lệnh cấm vận hiện thời đối với Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên. Lệnh cấm vận này được đưa ra sau khi nước này tiến hành một vụ thử hạt nhân vào năm 2006.

Tuy nhiên, Trung Quốc và Nga lại tỏ ra thận trọng hơn. Moskva cho rằng vụ phóng vệ tinh là đáng lo ngại nhưng Nga cũng kêu gọi không nên đi đến một kết luận vội vàng trong khi Trung Quốc lại cho rằng Bình Nhưỡng có quyền theo đuổi các chương trình không gian hoà bình.